Những điều cần biết về bệnh loãng xương

Loãng xương là một trong những biểu hiện của quá trình lão hóa cơ thể. Bệnh lý này thường gặp ở người lớn tuổi. Loãng xương có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Vậy bệnh loãng xương là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề này.

Bệnh loãng xương là gì?

Bệnh loãng xương có tên gọi khác là bệnh giòn xương hoặc xốp xương. Đây là tình trạng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng ít, từ đó khiến xương giòn hơn và dễ bị gãy dù gặp chấn thương nhẹ. Loãng xương là nguyên nhân hàng đầu gây gãy xương ở người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. Gãy xương do loãng xương thường xảy ra ở xương hông, cột sống và cổ tay. Bệnh lý này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

nhung-dieu-can-biet-ve-benh-loang-xuong-1

Nguyên nhân gây loãng xương

Vấn đề tuổi tác: Người cao tuổi thường thiếu vitamin D do ít hoạt động ngoài trời. Bên cạnh đó, cơ thể hấp thụ canxi kém và xương khớp bị thoái hóa cũng là nguyên nhân hàng đầu gây loãng xương ở người già.

Hoocmon sinh dục nữ giảm: Ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh, hoocmon sinh dục nữ sẽ giảm và đẩy nhanh tốc độ chuyển canxi từ xương vào máu. Từ đó, sự thiếu hụt nội tiết tố estrogen sẽ khiến chức năng hấp thụ canxi vào xương bị suy giảm.

Hoocmon cận giáp: Khi bạn không cung cấp đủ canxi để duy trì nồng độ canxi cần thiết trong máu, hoóc môn cận giáp sẽ được tiết ra để chuyển canxi trong xương bổ sung vào máu. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến kết cấu xương bị loãng.

nhung-dieu-can-biet-ve-benh-loang-xuong-2

Cơ thể thiếu chất: Nếu chế độ ăn uống của bạn thiếu các thực phẩm chứa canxi, phospho, magne, albumin dạng keo, acid amin, và các nguyên tố vi lượng thì bạn sẽ có nguy cơ bị loãng xương. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch bị suy giảm cũng là nguyên nhân gây loãng xương.

Các bệnh lý khác: Người mắc các bệnh về thận, nội tiết, xương khớp hoặc sử dụng thuốc corticoid kéo dài có nhiều nguy cơ bị bệnh loãng xương.

Các nguyên nhân khác: Bệnh loãng xương xảy ra có thể là do yếu tố di truyền, ít vận động thân thể, người không sinh đẻ, trẻ em bị còi xương, chế độ ăn uống thiếu canxi,…

Triệu chứng của loãng xương

nhung-dieu-can-biet-ve-benh-loang-xuong-3

  • Cảm giác đau nhức ở các đầu xương, mỏi dọc các xương dài, cảm thấy như bị châm chích toàn thân.
  • Cơn đau tăng lên khi đi lại, vận động, thay đổi tư thế hoặc đứng ngồi lâu, đồng thời giảm đi khi nằm nghỉ.
  • Thường đau ở vùng xương cột sống, xương chậu, thắt lưng, xương hông, đầu gối,…đau nhiều hơn sau chấn thương.
  • Cảm giác bị đau cột sống, đau nhiều hơn khi hắt hơi, ho, sổ mũi, cười lớn,…Cơn đau kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống gây giật cơ khi thay đổi tư thế.
  • Cột sống bị biến dạng như cong, gù, vẹo, còng lưng, chiều cao của cơ thể bị giảm đi vài cm so với lúc trẻ.
  • Thường xuyên có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, bị chuột rút, vọp bẻ, ra mồ hôi, khó thực hiện các động tác như cúi, ngửa, nghiêng người, quay người,…

nhung-dieu-can-biet-ve-benh-loang-xuong-4

Theo thống kê mới nhất, 1/2 phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ bị gãy xương đùi, xương cột sống, xương cổ tay do loãng xương. Bệnh lý này cũng xuất hiện ở người trẻ tuổi. Khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện của bệnh, bạn nên đi khám và điều trị sớm để giảm nhẹ biến chứng.