Bệnh tay chân miệng – Đơn giản nhưng nguy hiểm

Bệnh tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Hầu hết mọi người đều chủ quan với bệnh tay chân miệng vì nghĩ rằng nó không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách, bệnh lý này sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về bệnh tay chân miệng qua bài viết sau đây.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Tay chân miệng là dạng bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lý này có khả năng lây từ người sang người và trở thành dịch bệnh. Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71) là hai tác nhân gây bệnh thường gặp. Biểu hiện của bệnh tay chân miệng là tổn thương da dưới dạng phỏng nước ở các vị trí như niêm mạc miệng, lòng bàn chân, lòng bàn tay, mông,…Nếu không điều trị, bệnh lý này có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp tính,…

benh-tay-chan-mieng-don-gian-nhung-nguy-hiem-1

Nguyên nhân gây bệnh là gì?

Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh có khả năng lây truyền nhanh chóng từ chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt lúc trẻ ho hay hắt hơi. Vi rút gây bệnh xâm nhập cơ thể qua niêm mạc miệng hay đường ruột vào hệ thống hạch bạch huyết. Từ đó, vi rút phát triển nhanh và gây tổn thương da, niêm mạc. Đối tượng dễ bị bệnh tay chân miệng là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng chủ yếu từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 – 12.

benh-tay-chan-mieng-don-gian-nhung-nguy-hiem-2

Triệu chứng của bệnh là gì?

Giai đoạn ủ bệnh (3 đến 6 ngày)

  • Trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi.
  • Trẻ bị sốt nhẹ khoảng 38 – 38.5 độ C.
  • Một số trường hợp trẻ bị số cao từ 39 – 40 độ C.
  • Trẻ bị đau họng, sổ mũi và chảy nước bọt liên tục.

Giai đoạn phát bệnh

benh-tay-chan-mieng-don-gian-nhung-nguy-hiem-3

  • Trẻ biếng ăn hoặc bỏ ăn.
  • Trẻ bị khó ngủ, hay quấy khóc và thường xuyên bị giật mình.
  • Một số trẻ chỉ bị loét miệng, bọng nước ít, chỉ xuất hiện hồng ban.
  • Xuất hiện những vết loét đỏ do bọng nước vỡ ra ở niêm mạc má, vòm họng, nướu răng, lưỡi,…
  • Xuất hiện bọng nước có đường kính 2 – 10 mm nổi cộm hoặc ẩn dưới da, không đau, khi bọng nước khô để lại vết thâm.
  • Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị lừ đừ, run rẩy tay chân, trợn mắt, rung giật cơ, mạch nhanh, tim nhanh, thở nhanh.

Các biện pháp phòng ngừa

benh-tay-chan-mieng-don-gian-nhung-nguy-hiem-4

  • Cho trẻ rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
  • Vệ sinh vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng xà phòng rồi khử trùng bằng chất tẩy rửa thông thường.
  • Tránh để bé tiếp xúc với các trẻ bị bệnh tay chân miệng để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
  • Không cho trẻ bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho đến khi hết bệnh.
  • Nếu trẻ bị sốt cao, li bì, mất tỉnh táo thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
  • Luôn lau dọn và vệ sinh nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.

benh-tay-chan-mieng-don-gian-nhung-nguy-hiem-5

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhẹ, hầu hết người bệnh đều phục hồi trong khoảng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng khiến người bệnh bị viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Do vậy, nếu phát hiện trẻ bị tay chân miệng, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách.