Viêm loét dạ dày – Nguyên nhân và triệu chứng

Viêm loét dạ dày là tên gọi chung cho 2 căn bệnh, đó là bệnh viêm dạ dày và bệnh loét dạ dày. Nếu không được điều trị sớm, bệnh lý này sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong. Vậy viêm loét dạ dày là gì? Nguyên nhân và triệu chứng như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Viêm loét dạ dày là gì?

Viêm loét dạ dày là tình trạng lớp niêm mạc dạ dày bị sung huyết, có loét, đau do acid và pepsin kích thích. Bên cạnh đó, viêm loét dạ dày còn được xem là hiện tượng hoại tử niêm mạc dạ dày với mức độ tổn thương lớn. Kích thước vết loét có thể lớn hơn hoặc bằng 0.5 cm. Đây là bệnh lý phổ biến ở mọi độ tuổi, tuy nhiên người già có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

viem-loet-da-day-nguyen-nhan-va-trieu-chung-1

Nguyên nhân gây bệnh là gì?

Căng thẳng thần kinh: Khi bị căng thẳng, các yếu tố tấn công niêm mạc dạ dày sẽ gia tăng khiến acid HCl tăng cao, từ đó làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể và làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.

Vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn Hp): Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn Hp sẽ chui vào lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Tại đây, chúng sẽ sản sinh ra một số chất làm kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid hơn mức bình thường. Acid dư thừa sẽ làm tổn thương lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, gây ra bệnh viêm loét dạ dày.

Chế độ ăn uống không hợp lý: Chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn đối với dạ dày. Nếu bạn thường xuyên nhịn ăn, ăn đêm, ăn quá no, vừa ăn vừa chơi điện thoại,….sẽ khiến cho dạ dày làm việc quá sức, gây đầy hơi và khó tiêu. Không chỉ vậy, ăn uống thiếu khoa học còn khiến dạ dày tiết ra dịch acid nhiều hơn, lâu ngày dẫn đến viêm loét.

viem-loet-da-day-nguyen-nhan-va-trieu-chung-2

Dùng thuốc kháng viêm không chứa Steroid: Những người dùng nhiều thuốc kháng viêm không chứa Steroid thường có nguy cơ viêm dạ dày cấp tính hoặc mạn tính. Loại thuốc này không chỉ gây hại dạ dày mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích: Trong thuốc lá có chứa nhiều chất nicotin gây kích thích cơ thể tiết ra lượng cortisol lớn. Đây là tác nhân làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày. Ngoài ra, rượu bia và các đồ uống có cồn sẽ tác động ức chế sự tạo thành chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Lâu ngày, bệnh viêm loét dạ dày sẽ hình thành.

Yếu tố thể tạng: Người thuộc nhóm máu O có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn những nhóm máu khác. Điều này là do sự ưu tiên kết hợp giữa nhóm máu O và HP, sự liên quan giữa kháng nguyên HLA B5 với tần suất loét tá tràng.

viem-loet-da-day-nguyen-nhan-va-trieu-chung-3

Triệu chứng của bệnh như thế nào?

Đau bụng âm ỉ: Người bị viêm loét dạ dày thường cảm thấy đau bụng âm ỉ, không tập trung làm việc được. Cơn đau thường xuất hiện ở khu vực trên rốn, quanh thượng vị.

Cơn đau bụng có tính chu kỳ: Người bệnh thường cảm thấy đau bụng khi đói hoặc vài giờ sau bữa ăn. Sau khi uống thuốc giảm tiết acid dạ dày, người bệnh sẽ cảm thấy đỡ đau hơn.

Giảm cân và chán ăn: Viêm loét dạ dày khiến cho người bệnh tiêu hóa thức ăn và hấp thụ dinh dưỡng kém đi. Do đó, người bệnh thường bị thiếu chất dinh dưỡng, dẫn đến giảm cân.

viem-loet-da-day-nguyen-nhan-va-trieu-chung-4

Buồn nôn và nôn: Acid dạ dày kích thích liên tục lên vết loét khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn. Thậm chí người bệnh sẽ bị nôn mửa khi những kích thích này gây rối loạn nhu động ruột dạ dày.

Thường xuyên đầy hơi hoặc ợ hơi: Bệnh nhân viêm loét dạ dày thường xuyên bị ợ hơi do khí thừa trong dạ dày tăng lên.

Trên đây là những nguyên nhân và triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày. Bệnh lý này nếu không được điều trị sớm có thể gây chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày. Do vậy, bạn nên đến gặp bác sĩ khi phát hiện những triệu chứng của bệnh.