Chúng ta thường bỏ tiền, bỏ công ra để điều trị những căn bệnh thực thể, những căn bệnh gây đau đớn trên da thịt, nhưng ít ai biết rằng, mỗi năm có đến hơn 1 triệu người tự kết liễu cuộc đời vì không được giải thoát khỏi những đau đớn trong tâm hồn: Căn bệnh trầm cảm.
Bất kì hình thái xã hội và kinh tế nào cũng sẽ tạo cho con người những áp lực nhất định trong tinh thần, và dù chúng ta được chăm sóc đầy đủ tới đâu trong đời sống vật chất, những lỗ hổng tâm lý vẫn có thể xuất hiện và cuốn chúng ta vào những vòng xoáy đen tối không thoát ra được. Đó có thể là những biến cố hay nguyên nhân to lớn như gia đình tan vỡ, bắt nạt học đường, bạo hành thân thể, khủng bố tinh thần trong thời gian dài, lạm dụng chất kích thích…nhưng cũng có thể xuất phát từ những điều rất giản đơn như đấu tranh tâm lý trong quá trình trưởng thành, sự chênh vênh trong quá trình thay đổi môi trường sống, sự thất bại tạm thời trong học tập, công việc, tình cảm,…Con điểm kém mỗi ngày, chuyển nhà, chia tay người thân, bạn bè, tốt nghiệp đại học, kết thúc quãng đời học sinh, thi rớt, không kịp hoàn thành hợp đồng, tâm lý bất ổn trước và sau sinh…tất cả những lý do tưởng chừng chỉ là rào cản mà bất kì ai cũng dễ dàng gặp phải và vượt qua trong cuộc đời, vẫn có thể cướp đi tính mạng rất nhiều người quanh ta. Đó là mầm mống của căn bệnh trầm cảm, là nguyên nhân dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát, nhưng nó vẫn chưa phải điều kiện chính để thúc đẩy hành vi đó trở thành hiện thực.
Vậy tại sao hành vi tự sát lại có thể thực hiện thành công, khiến trung bình Việt Nam có đến 36000 – 40.000 người chết vì nguyên nhân này? Yếu tố tiên quyết chính là cách nhìn nhận của chúng ta đối với “trầm cảm”, thay vì coi nó như một căn bệnh, cần thăm khám và điều trị thuốc thang, đa số người Việt vẫn coi nhẹ các biến cố tâm lý và cho rằng chỉ bệnh thực thể mới cần chạy chữa. Điều này xuất phát từ việc đời sống vật chất vẫn còn bấp bênh, khiến chúng ta coi nhẹ việc chăm sóc cho đời sống tinh thần, và hạn chế về thông tin dẫn đến những nhìn nhận chưa sâu, chưa đúng đắn về căn bệnh đang xâm chiếm rất mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội chóng mặt như thế này.
- – Trầm cảm là một bệnh lý. Nó không chỉ thuộc về các phạm trù cảm xúc thông thường. Nỗi buồn đau thông thường là nỗi buồn đau có thể phát tiết qua tuyến lệ, nhưng trầm cảm là những nỗi đau đớn và trốn rỗng không tên, không thể phát tiết bằng việc rơi nước mắt, chỉ có thể giải tỏa bằng việc gây ra những tổn thương trên cơ thể bản thân hoặc người khác.
- – Thiếu thốn vật chất không phải là nguyên nhân chính dẫn tới trầm cảm. Người Việt thường có quan niệm cuộc sống đủ đầy gắn liền với hạnh phúc, tuy nhiên điều này hoàn toàn không chính xác, thậm chí chính cuộc sống đủ đầy lại chính là nguyên nhân khiến con người lạc lối vì không thực sự biết mình muốn gì và cần gì, hoặc không xác định được mục tiêu phấn đấu và cố gắng.
- – Trầm cảm không thể tự vượt qua. Tỉ lệ bệnh nhân trầm cảm tự vượt qua căn bệnh chỉ có 1%. 15% còn lại dựa vào các liệu pháp điều trị tâm lý, 75% dựa vào thuốc và các phương pháp điều trị kết hợp. Trầm cảm là căn bệnh mãn tính khó chữa dứt điểm và buộc phải có các biện pháp điều trị theo phác đồ điều trị do các chuyên gia cung cấp.
- Trầm cảm có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi, bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, kể cả lứa tuổi chưa phải chịu các áp lực kinh tế – xã hội như mầm non.
- – Trầm cảm có nhiều biểu hiện phong phú, đa dạng, tuy nhiên nó không phải bệnh tâm thần phân liệt. Người bị trầm cảm vẫn có thể sống, sinh hoạt và làm việc như người bình thường. Người tâm thần phân liệt thường có các ảo giác dẫn đến hiện tượng hoang tưởng và rối loạn hành vi. Triệu chứng trầm cảm rất khó phát hiện, đôi khi nó là sự đấu tranh trường kì và mệt mỏi của cá nhân một người mà những người khác hoàn toàn không thể thấu cảm.
Người Việt vẫn thường xấu hổ nếu bản thân hoặc người thân phải đi điều trị tâm lý – tâm thần. Đó là nguyên nhân khiến chúng ta ủ bệnh, không trang bị đầy đủ kiến thức để phát hiện bệnh lý, không điều trị đúng cách và kịp thời. Bên cạnh đó căn bệnh còn thường xuyên bị đánh đồng với những quan niệm mê tín, thần thánh, dẫn đến cách chạy chữa sai lệch, nặng nề. Nếu một ngày chúng ta vẫn còn coi nhẹ các triệu chứng ăn nhiều, ngủ nhiều, biếng ăn, mất ngủ, run tay, những ý nghĩ coi thường bản thân, những nỗi sợ hãi không tên, những hành động mang tính cố chấp, lặp đi lặp lại,…thì chúng ta mãi mãi sẽ nằm dưới cái bóng trầm cảm và chết chóc! Chính vì thế, việc tuyên truyền và tìm hiểu sâu về bệnh, cũng như việc dũng cảm đối mặt và chạy chữa đúng cách để chấm dứt hoàn toàn căn bệnh, trở về với cuộc sống tươi đẹp, rực rỡ không phải là chuyện riêng của mỗi người mà còn là trách nhiệm của gia đình, xã hội.