Vừa qua, các nhà khoa học Nhật Bản đã chỉnh sửa gen trên gà mái để chúng đẻ ra trứng có sẵn thuốc điều trị ung thư phục vụ con người. Việc nghiên cứu này nhằm giảm thiểu những tác dụng phụ và giảm chi phí trong điều trị ung thư.
Tạp chí Newsweek ngày 9-10 cho biết: Những quả trứng đặc biệt này có khả năng sinh ra một loại protein là Interferon. Loại Protein này được dùng trong điều trị các bệnh: viêm gan, đa xơ cứng và ung thư da ác tính. Phát minh này do các nhà nghiên cứu thuộc Viện quốc gia Về công nghệ và khoa học công nghiệp tiên tiến (AIST) ở TP Osaka và Tổ chức Nghiên cứu nông lương quốc gia (tỉnh Ibaraki) phối hợp với Công ty dược Cosmo Bio (Tokyo) thực hiện.
Nghiên cứu đã mang đến một kết quả bất ngờ: gà mái được chỉnh sửa gen cứ 1 đến 2 ngày lại cho ra một mẻ trứng có chứa Interferon. Nếu được tiêm protein này 3 lần/tuần, cơ thể bệnh nhân có thể ngăn tế bào ung thư phát triển. Ngoài ra, Interferon còn giúp tăng tế bào T trong hệ miễn dịch của người bệnh để “đánh” lại khối u ung thư. Tuy nhiên phương pháp điều trị này cực kỳ đắt đỏ: cần đến 250-900 USD để sản xuất chỉ vài microgram loại protein này.
Chính vì vậy việc phát minh ra “trứng gà có Interferon” được xem là đột phá. Giáo sư Hironobu Hojo thuộc Đại học Osaka chia sẻ với báo Japan News: “Hi vọng kết quả thử nghiệm này sẽ dẫn đến việc phát triển các loại thuốc điều trị giá rẻ. Tuy vậy, cần kiểm tra kỹ lưỡng đặc tính của các chất có trong trứng và đánh giá mức an toàn của chúng theo tiêu chuẩn dược phẩm”.
Được biết, phát minh mới này có thể được áp dụng ngay vào đầu năm 2018 để tạo một loại thuốc trị ung thư mới với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, tiến trình để loại trứng này được công nhận là dược phẩm có thể sẽ chậm hơn do một số luật quy định ở Nhật.