Hen suyễn – hen phế quản và cách chữa hen

Bệnh hen suyễn (hay còn gọi là bệnh hen phế quản) là nỗi ám ảnh của nhiều người trên thế giới, trong đó Việt Nam là nước có tỉ lệ mắc bệnh cao. Đây là loại bệnh có tỉ lệ tử vong tương đối thấp so với những căn bệnh mãn tính khác; nhưng nếu bạn không biết kiểm soát thì bệnh cũng dễ cướp đi sinh mạng của bạn.

Bệnh hen suyễn không thể chữa khỏi hoàn toàn bằng những liều thuốc nhưng bạn có thể kiểm soát được để bệnh không phát triển nặng hơn, giảm số lần tái phát cơn hen,…Nhờ đó, bạn sẽ có được cuộc sống và sinh hoạt giống như những người bình thường.

Vậy cụ thể bệnh hen suyễn là bệnh lý như thế nào? Triệu chứng và dấu hiệu mắc bệnh hen suyễn ra sao; nguyên nhân và cách điều trị bệnh thế nào?….Mọi thông tin về bệnh hen suyễn sẽ được cung cấp trong bài viết dưới đây.

Bệnh hen suyễn là gì?

Bệnh hen suyễn còn có tên gọi khác là bệnh hen phế quản, là một loại bệnh lý của đường hô hấp, gây co thắt phế quản, làm cản trở sự lưu thông của không khí trong phổi. Nếu bị hen suyễn, đường dẫn khí luôn ở trong tình trạng bị viêm nhiễm, phù nề và dễ bị kích ứng. Nghiêm trọng hơn, sự co thắt và viêm đường dẫn khí sẽ làm thu hẹp đường dẫn khí, khiến bạn khó thở, lồng ngực nặng, thở khò khè kèm tiếng ran rít, cò cữ.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen suyễn

Người bị hen phế quản (hen suyễn) thường có những dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Vào ban đêm hay đầu buổi sáng, những cơn ho của hen thường nhiều hơn khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.
  • Thở khò khè, hơi thở thường kèm theo tiếng rít hay âm thanh the thé.
  • Nặng ngực, cảm giác như có thứ gì đó đang siết chặt hay đè ngực bạn gây khó thở.
  • Người bị hen phế quản luôn cảm thấy hết hơi hoặc không thể thở nổi/khó thở.

Ngoài ra, biểu hiện của bệnh hen phế quản còn tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của người bệnh. Bạn có thể tự phân loại bệnh của mình theo các biểu hiện thường gặp sau:

+ Nhẹ – không liên tục: Cơn hen suyễn thường kéo dài không quá 1 giờ. Tần suất xuất hiện cơn hen không quá 2 lần/tuần; triệu chứng về đêm không quá 2 lần/tháng. Độ nặng của cơn hen có thể thay đổi nhưng giữa các cơn hen không có triệu chứng.

+ Nhẹ – liên tục: Tần số xuất hiện cơn hen nhiều hơn 2 lần/tuần; triệu chứng về đêm nhiều hơn 2 lần/tháng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống.

+ Trung bình – liên tục: Cơn hen kéo dài hàng ngày và cường độ cũng nặng hơn. Người bệnh cần phải có sự can thiệp của thuốc chữa hen suyễn để giảm triệu chứng bệnh; đồng thời người bệnh cũng cần phải thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để phù hợp với tình trạng của bệnh.

+ Nặng – liên tục: Cơn hen đến liên tục. Các triệu chứng về đêm thường xuyên xảy ra và người bệnh phải giới hạn sinh hoạt hàng ngày.

Để chắc chắn khả năng bạn đã mắc bệnh hen suyễn, bạn nên gặp bác sĩ để làm xét nghiệm chức năng phổi, kiểm tra bệnh sử (bao gồm loại và mức độ của các triệu chứng) và khám lâm sàng.

Hen suyễn - hen phế quản - những điều cần biết

Nguyên nhân mắc bệnh hen suyễn – hen phế quản

Hiện nay, các nhà nguyên cứu vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân phát sinh bệnh hen suyễn nhưng có thể tạm xác định rằng: Mầm mống của bệnh hen suyễn chủ yếu là do sự tương tác giữa một số yếu tố di truyền và môi trường, hầu hết thường tác động trong giai đoạn đầu đời. Những yếu tố này gồm có:

  • Bố hoặc mẹ mắc bệnh hen suyễn di truyền sang con.
  • Tình trạng dị ứng có liên quan tới di truyền.
  • Thời thơ ấu (thời điểm hệ miễn dịch đang phát triển), bạn đã hít phải một số chất gây dị ứng trong không khí hay tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm ký sinh trùng.
  • Mắc phải một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khi còn nhỏ.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao

Theo WHO, bệnh hen suyễn là tình trạng bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Trên thực tế, hen suyễn tác động đến mọi người thuộc mọi độ tuổi nhưng nó thường chớm phát khi bạn còn nhỏ. Do đó, khi phát hiện trẻ bị hen suyễn, các bậc cha mẹ cần tìm cách để kiểm soát tình trạng bệnh và các cơn hen ở trẻ.

Bệnh hen suyễn ở trẻ em thường gặp ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ. Nhưng ở những người trưởng thành thì phụ nữ mắc bệnh hen suyễn nhiều hơn nam giới.

Những người tiếp xúc với các hóa chất kích thích nhất định hay bụi công nghiệp tại nơi làm việc sẽ có nguy cơ cao bị hen suyễn. Loại hen suyễn này được gọi là hen suyễn nghề nghiệp.

Làm thế nào để kiểm soát bệnh hen suyễn

Bệnh hen suyễn là một cơn bệnh mạn tính nhưng không phải trường hợp nào mắc bệnh cũng nặng. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh để bệnh không phát triển nặng hơn, giảm số lần xuất hiện cơn hen và không cần phải nhập viện. Thay vào đó, việc kiểm soát bệnh tốt có thể giúp bạn đi làm; đi học; đi công tác ở xa; đảm nhận những nhiệm vụ của gia đình và xác hội; đời sống tinh thần không bị xáo trộn và người mắc bệnh cũng không phải lo lắng,…

Để kiểm soát bệnh hen suyễn (hen phế quản), bạn cần

  • Khám bác sĩ định kỳ tình trạng phát triển của bệnh.
  • Luôn có thuốc điều trị trong người để cắt giảm cơn hen tái phát, sử dụng thuốc đúng cách và đúng giờ giấc.
  • Sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, tránh các chất kích thích, thú nuôi, gây dị ứng, khói bụi,…
  • Nhận biết được các triệu chứng của một cơn suyễn, chẳng hạn như ho; thở khò khè; tức ngực và khó thở và sử dụng các loại thuốc cắt cơn theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tập thể dục thường xuyên. Tham khảo ý kiến bác sĩ để có sự kết hợp đúng đắn giữa việc tập thể dục và thói quen sinh hoạt hàng ngày.
  • Đặc biệt hen suyễn ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần can thiệp và hướng dẫn trẻ thực hiện theo đúng những lời khuyên trên.

Cách chữa hen suyễn

Nếu lâu nay bạn đang đi tìm đáp án cho câu hỏi: Thuốc chữa hen suyễn, thuốc chữa hen phế quản là gì? thì nay bạn không cần phải nhọc công tìm kiếm nữa. Vì không có một loại thuốc nào có thể chữa hen suyễn dứt điểm. Cách điều trị bệnh hen suyễn duy nhất là kiểm soát bệnh kết hợp dùng thuốc giảm cơn hen. Đây là căn bệnh mạn tính hoàn toàn không thể chữa khỏi được nên khả năng người bệnh sẽ chung sống với hen suyễn cả cuộc đời.

Để điều trị bệnh hen suyễn thành công, bạn nên

  • Thực hiện theo phác đồ điều trị bệnh hen suyễn.
  • Tránh những thứ có thể khiến bệnh hen suyễn của bạn tệ hơn.
  • Dùng thuốc đúng hướng dẫn.
  • Theo dõi bệnh.
  • Ghi lại các triệu chứng của bạn.
  • Sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh.
  • Tái khám bệnh định kỳ.

Chữa bệnh hen suyển ở trẻ em

Thuốc chữa hen phế quản ở trẻ em

Bệnh hen phế quản ở trẻ em rất nguy hiểm vì lúc này hệ miễn dịch của trẻ đang phát triển, trẻ cũng chưa đủ khả năng để tự mình kiểm soát bệnh,…Do đó, việc điều trị và dùng thuốc chữa hen phế quản ở trẻ rất quan trọng, cần phải được thực hiện đúng cách.

Thuốc chữa hen suyễn ở trẻ gồm có 2 loại: thuốc cắt cơn hen và thuốc kiểm soát cơn hen.

  1. Thuốc cắt cơn hen: Là loại thuốc nhanh chóng cắt cơn hen do tác dụng làm giãn các cơ bao quanh đường dẫn khí giúp mở đường dẫn khí đang bị hẹp. Các loại thuốc căn cơn thường dùng hiện nay là: Ventolin, Bricanyl,…
  2. Thuốc kiểm soát cơn hen: Là nhóm thuốc có tác dụng ngăn ngừa cơn hen bao gồm 1 loại thuốc chính: thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Các loại thuốc thường được sử dụng là: Symbicort, Seretide, Pulmicort, Flixotide,…

Những biến chứng có thể xảy ra với bệnh hen suyễn (hen phế quản)

Bệnh hen suyễn không được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của bạn. Hen suyễn có thể gây nên một số biến chứng thông thường như: Mệt mỏi, làm việc kém năng suất hay nghỉ việc, các vấn đề về tâm lý bao gồm stress, lo âu và trầm cảm.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh hen phế quản có thể dẫn đến một số biến chứng hô hấp nghiêm trọng như:

  • Viêm phổi (nhiễm trùng phổi).
  • Xẹp một phần hay toàn bộ phổi.
  • Suy hô hấp.
  • Nồng độ oxy trong máu xuống thấp tới mức báo động.
  • Hen ác tính.

Tất cả các biến chứng trên đều đe dọa tính mạng, cần phải được điều trị thích hợp.

Hy vọng rằng, người bệnh sẽ sớm kiểm soát và có cách điều trị bệnh hen suyễn hiệu quả thông qua những thông tin mà Hiểu Bệnh vừa cung cấp ở trên!