Bệnh đục thủy tinh thể – Nguyên nhân và dấu hiệu

Đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên thế giới. Có khoảng 25 đến 50 triệu người có thị lực < 1/20 là do đục thủy tinh thể. Vậy đục thủy tinh thể là gì? Nguyên nhân như thế nào? Dấu hiệu ra sao? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề này.

Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể được cấu tạo từ nước và protein. Ánh sáng sẽ xuyên qua các protein và hội tụ trên võng mạc. Trong một số trường hợp, protein tập trung thành đám khiến cho ánh sáng đi qua bị tán xạ, từ đó tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể. Những vùng mờ đục này sẽ cản ánh sáng đến võng mạc và làm giảm thị lực. Tình trạng này gọi là bệnh đục thủy tinh thể. Đây là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi. Đục thủy tinh thể nếu không được điều trị sớm có thể gây mù lòa.

benh-duc-thuy-tinh-the-nguyen-nhan-va-dau-hieu-1

Nguyên nhân gây bệnh là gì?

Tuổi tác: Bệnh lý đục thủy tinh thể hầu hết xuất hiện ở độ tuổi trên 60. Vì ở người lớn tuổi, cấu trúc protein thủy tinh thể thường có sự thay đổi dẫn đến đục thủy tinh thể.

Bẩm sinh: Sự rối loạn di truyền là một trong những nguyên nhân gây bệnh đục thủy tinh thể ở trẻ em mới sinh. Bên cạnh đó, nếu khi mang thai mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm như giang mai, sởi,…thì con sinh ra có tỷ lệ bị đục thủy tinh thể cao.

Chấn thương: Đục thủy tinh thể có thể hình thành sau những chấn thương, có thể hình thành ngay hoặc sau nhiều năm.

benh-duc-thuy-tinh-the-nguyen-nhan-va-dau-hieu-2

Bệnh lý khác: Những người bị tăng nhãn áp, tiểu đường có nhiều nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể. Ngoài ra, việc dùng kéo dài một số thuốc như corticoid, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc hạ mỡ máu, thuốc trầm cảm,…sẽ làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

Các nguyên nhân khác: Tiếp xúc quá nhiều với tia UV, rối loạn dinh dưỡng, thiếu hụt các yếu tố chống oxi hóa, uống rượu, hút thuốc, môi trường ô nhiễm,…là một trong những yếu tố gây bệnh đục thủy tinh thể.

Dấu hiệu của bệnh ra sao?

benh-duc-thuy-tinh-the-nguyen-nhan-va-dau-hieu-3

  • Nhìn một thành hai.
  • Thường xuyên thay đổi kính.
  • Thị lực giảm, nhìn mờ đi nhưng không có cảm giác đau.
  • Cần nhiều ánh sáng hơn để đọc và làm việc so với trước.
  • Nhạy cảm với ánh sáng, khó nhìn vào ban đêm và nơi không đủ ánh sáng.
  • Mắt thường xuyên bị lóa, dễ bị chói mắt, thấy quầng sáng xung quanh nguồn sáng.

Đục thủy tinh thể nếu không can thiệp sớm sẽ làm giảm thị lực, thậm chí là gây mù lòa. Hiện nay, phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất chính là phẫu thuật. Nếu phát hiện mắt có những triệu chứng như trên, bạn nên thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.