Người bị viêm loét dạ dày nên tuân theo nguyên tắc ăn uống này

Người bị viêm loét dạ dày cần phải có chế độ ăn uống hợp lý để cải thiện tình trạng của bệnh, nếu không bệnh viêm loét ngày càng tệ hơn. Dưới đây là nguyên tắc ăn uống dành cho người bị viêm loét dạ dày.

Người bị viêm loét dạ dày thường bị thiếu dinh dưỡng do tiêu hóa hấp thu kém, không hấp thu được các loại vitamin cần thiết, đặc biệt là vitamin B12 và sắt, chất đạm, dẫn tới thiếu máu. Chính vì vậy, trong chế độ ăn cần cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt là bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: axít folic, vitamin A, D, K, canxi, sắt, kẽm, magiê.

nguoi-bi-viem-loet-da-day-nen-tuan-theo-nguyen-tac-an-uong-nay-1

Người bị viêm loét dạ dày cần phải có chế độ ăn đúng giờ đúng bữa, không ăn quá khuya trước lúc ngủ ít nhất 4 giờ. Đặc biệt không nhịn đói, không ăn quá no một lúc mà nên chia thành nhiều bữa (4-5 bữa/ngày). Việc ăn nhiều bữa có tác dụng giúp trong dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa axit.

Đối với các loại thực phẩm được nấu chín: Khi nấu nên thái nhỏ, nghiền nát, nấu mềm sẽ làm giảm được kích thích bài tiết dịch. Vì thế thức ăn sẽ được vận chuyển qua dạ dày nhanh chóng.

Không nên ăn thức ăn đặc, khô quá. Vì như thế, các men tiêu hóa sẽ không thấm vào thức ăn để tiêu hóa hết được; ngược lại ăn thức ăn quá lỏng thì men tiêu hóa bị pha loãng và sự tiêu hóa sẽ kém đi.

Không nên chan canh ăn lẫn với cơm vì sẽ không nhai được kỹ, làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Tốt nhất, người bị loét dạ dày nên ăn canh riêng sau khi đã ăn hết cơm. Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay.

Người bệnh nên ăn thức ăn khi còn nóng, tốt nhất là 40-50 độ C. Ở nhiệt độ thích hợp này thức ăn dễ được tiêu hóa, hấp thu và không gây kích thích. Thức ăn nguội lạnh hay quá nóng đều không có lợi cho dạ dày, chúng sẽ làm co bóp mạnh cơ dạ dày và niêm mạc dạ dày xung huyết.