Những điều nên và không nên khi sơ cứu vết thương

Không ít người trong chúng ta đều sẵn sàng lao tới giúp đỡ và sơ cấp cứu tại chỗ khi phát hiện có người bị thương. Tuy nhiên, công đoạn sơ cứu vết thương cần phải được thực hiện đúng cách thì quá trình điều trị sau đó mới hiệu quả. Ngược lại, nếu cách sơ cứu sai lầm sẽ khiến cho tình trạng người bị nạn thêm nguy kịch. Hãy tham khảo một số trường hợp bị thương và bệnh nên sơ cứu như thế nào cho đúng dưới đây để lấy kinh nghiệm nhé.

Mẹo sơ cứu khi bị vật sắc nhọn đâm vào người

Nên: Giữ nguyên hiện trạng, cố định vật đã đâm vào người nạn nhân và nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Không nên: Cố kéo vật đó ra khỏi vết thương bằng tay không vì sẽ khiến vết thương nghiêm trọng hơn hoặc sẽ làm tăng nguy cơ bị chảy rất nhiều máu.

Mẹo sơ cứu khi bị ngộ độc

Nên: Gọi xe cấp cứu ngay lập tức. Đem theo thức ăn thức uống mà nạn nhân đã ăn hay đã uống trước đó đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm.

Không nên: Cố gắng “móc họng” để nôn hết ra. Điều này sẽ gây nguy hiểm khi bạn bị đầu độc bằng axit, kiềm hay chất hóa học ăn da.

6-dieu-cam-ky-khi-so-cuu-vet-thuong-2

Mẹo sơ cứu khi bị bầm tím

Nên: Đổ đá vào 1 chiếc túi vải, đặt trên da. Sau đó, chườm túi trên vết thương 20 phút, bỏ đá ra, đợi 20 phút sau lại đặt lại.

Không nên: Đá thực sự giúp giảm vết thâm tím nhưng bạn tuyệt đối không dùng trực tiếp trên da bởi chúng có thể khiến bạn bị bỏng lạnh.

Mẹo sơ cứu khi bị bỏng

Nên: Ngâm vùng bị bỏng trong nước mát khoảng 15 phút, cần giữ vết bỏng sạch và di chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để xử lý.

Không nên: Tuyệt đối không bôi bơ, kem đánh răng, mỡ… lên vết bỏng vì có thể chúng sẽ phá vỡ sự trao đổi nhiệt, khiến nhiệt đi sâu, gây hại nhiều hơn. Đặc biệt, không nên chọc vỡ các nốt phồng giộp để tránh tạo vết thương hở, gây nhiễm trùng.

6-dieu-cam-ky-khi-so-cuu-vet-thuong-3

Mẹo sơ cứu khi bị bong gân

Nên: Dùng đá lạnh chườm vào chỗ bị bong gân hay bầm tím. Cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất nếu nạn nhân cảm thấy quá đau vì có thể cơn đau đó do chấn thương gãy xương gây ra.

Không nên: Không dùng cao dán hay bôi dầu nóng nó có thể làm tình trạng vết thương xấu đi và gây xuất huyết dưới da. Các mạch máu giãn nở và vỡ ra khi gặp nóng còn khi gặp lạnh chúng sẽ co lại.

Mẹo sơ cứu khi bị trật khớp

Nên: Băng chân nạn nhân lại nhưng không quá chặt, cố định nơi bị trật khớp và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị.

Không nên: Không tự ý “bẻ” lại khớp vì có thể dẫn tới thương tích thêm, gây nguy hiểm.

Hãy sơ cứu đúng cách, nhanh và kịp thời để vết thương không trở nên nặng hơn và xấu đi bạn nhé!